'Bắt tay' để 'làm ấm' thị trường du lịch

'Bắt tay' để 'làm ấm' thị trường du lịch
Đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp du lịch và đơn vị truyền thông Hà Nội khảo sát sản phẩm tour tại Ninh Thuận.

Sôi động các hoạt động kích cầu

Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát và được kiểm soát, hưởng ứng chiến dịch kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức phát động cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” song song với việc thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Đến nay, nhiều hoạt động kích cầu, sản phẩm, tour tuyến mới đã được tung ra thị trường để phục vụ nhu cầu của du khách.

Tận dụng lợi thế là “Thành phố di sản”, Hà Nội đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch kích cầu mới, trong đó chú trọng việc khai thác giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội và kết nối với các địa phương để tạo sản phẩm độc đáo. Tiêu biểu phải kể đến các sản phẩm như: Chương trình tham quan Nhà tù Hỏa Lò về đêm; sản phẩm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và kết nối di sản này với Tràng An - Bái Đính - Ninh Bình bằng tour “Đêm trước dời đô”.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist chia sẻ: “Hà Nội có hệ thống di sản, di tích đồ sộ với những giá trị văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm. Nếu không chủ động khai thác, hệ thống di tích sẽ “ngủ yên”, trong khi sản phẩm du lịch luôn đòi hỏi yếu tố mới để thu hút du khách. Vì thế, chúng tôi phối hợp với các di tích để xây dựng sản phẩm mới nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm phong phú với cách thức hiện đại”.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chương trình du lịch nội thành Hà Nội đặc sắc như: “Hà Nội 36 phố phường”, “Thăng Long tứ trấn”. Nhiều khu, điểm du lịch cũng đưa vào các hoạt động mới như: Vườn quốc gia Ba Vì thử nghiệm tour bay khinh khí cầu và ngắm hoa dã quỳ, khu vực chùa Hương (Mỹ Đức) sôi động với sản phẩm mùa hoa súng...

Không đứng ngoài cuộc, hệ thống cơ sở lưu trú cũng thực hiện giảm giá phòng và các dịch vụ khoảng 30% để thu hút khách với xu hướng staycation (du lịch tại chỗ) tiết kiệm, an toàn. Các cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch như: Tân Mỹ Design, Hanoia, OZ Silk... đều có chính sách giảm giá 10 - 30% để hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch nội địa đã huy động sự tham gia của 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển ô tô, đường sắt, hàng không; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch với 346 tour kích cầu được triển khai cùng các gói sản phẩm khuyến mại, giảm giá. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp đến ngành Du lịch Thủ đô”.

'Bắt tay' để 'làm ấm' thị trường du lịch
Đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp du lịch và đơn vị truyền thông Hà Nội khảo sát sản phẩm tour tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh.

Tăng cường “bắt tay” với các địa phương

Không chỉ chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm, Sở Du lịch Hà Nội còn hỗ trợ các đơn vị tham gia kích cầu du lịch với nhiều sự kiện lớn được tổ chức như: Lễ hội Kích cầu du lịch, Ngày hội khuyến mại du lịch... Ngoài ra, để có sản phẩm phù hợp với tình hình mới, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các câu lạc bộ du lịch tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm kết nối Hà Nội với các địa phương. Tiêu biểu trong số đó là sản phẩm kích cầu du lịch bằng đường sắt Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Lào Cai; các tuyến kết nối Hà Nội với khu vực miền núi phía Bắc hay vùng kinh tế trọng điểm miền Trung...

Đánh giá cao hiệu quả của hoạt động này, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội nói: “Cái “bắt tay” giữa các doanh nghiệp Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã “làm ấm” thị trường du lịch nội địa. Từ sự hợp tác này, các doanh nghiệp đã xây dựng những sản phẩm liên tuyến, charter (thuê nguyên chuyến), vừa đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương hậu dịch Covid-19”.

Để hoạt động liên kết giữa Hà Nội và các địa phương ngày càng hiệu quả, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, Hà Nội và các địa phương cần tăng cường hợp tác, hạn chế tính hình thức nhằm mang lại hiệu quả thực chất trong hoạt động liên kết. Việc liên kết cần dựa vào sản phẩm của doanh nghiệp, chiến dịch xúc tiến quảng bá chung của các địa phương và dựa trên nền tảng công nghệ chung để việc kết nối hiệu quả hơn.

Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn

Tin liên quan