2 năm nữa, Việt Nam sẽ dự báo được thiên tai cực đoan

Tại tọa đàm “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững” do Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức chiều 27/2, tại Hà Nội, ông Trần Hồng Thái - Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, theo Luật Phòng chống thiên tai, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai khác nhau. Nhưng đến nay, các loại hình thiên tai như giông lốc, vòi rồng và mưa đá vẫn chưa thể dự báo sớm được.

Hiện tại, các dự báo sớm mới chỉ giúp cảnh báo được trước khi các hiện tượng trên xảy ra từ 15 - 30 phút. Vì thế, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang xúc tiến đầu tư thêm các mô hình tổ hợp công nghệ cao hơn, gồm các rađa, trạm quan trắc tự động.

2 năm nữa, Việt Nam sẽ dự báo được thiên tai cực đoan

Chỉ tính riêng 2017, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm qua

“Theo dự kiến, khi tổ hợp công nghệ này đi vào vận hành, khoảng đến năm 2020, Việt Nam có thể sẽ dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá để cảnh báo sớm cho người dân phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan gây ra,” ông Thái nhấn mạnh.

Giáo sư Petterri Talaas - Tổng Thư ký Tổ chức khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng, hiện nay việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai vẫn đang là thách thức lớn đối với Việt Nam và các nước trên thế giới.

Vì thế, ông Talaas kiến nghị Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực cũng như trình độ dự báo. Đồng thời cần có những sản phẩm dự báo, và truyền tải thông tin dự báo một cách phổ biến và gần gũi hơn.

Chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, đạt con số kỷ lục trong nhiều năm qua.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khó lường như hiện nay, tương lai gần, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan như gia tăng hạn hán, tần suất số cơn bão mạnh, thậm chí những cơn siêu bão cũng có thể sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam..., đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn: Báo Người Hà Nội (nguoihanoi.com.vn)

Tin liên quan