Sân khấu thời 4.0

Là đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô, giữ kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn múa rối nước 365 ngày trong năm”, nhưng 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã phải dừng biểu diễn trực tiếp. Tuy nhiên, nhà hát vẫn liên tục xây dựng các chương trình nghệ thuật, ghi hình, phát sóng trên truyền hình và trực tuyến phục vụ khán giả.

Đặt mua vé xem kịch qua online. Ảnh: Hải Linh

Đặt mua vé xem kịch qua online. Ảnh: Hải Linh

Từ khi mở cửa trở lại, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã duy trì biểu diễn chương trình múa rối nước truyền thống vào tối thứ Bảy hàng tuần. Suất diễn trở lại đầu tiên diễn ra vào 19 giờ 30 phút ngày 19/2, đem đến nhiều tiết mục được khán giả trong nước và quốc tế yêu thích trong những năm qua. Nhà hát đang mở hệ thống bán vé trực tiếp tại địa chỉ biểu diễn và qua điện thoại, email.

Tại Nhà hát Kịch Hà Nội, một loạt các vở diễn như “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường”, “Cát bụi”, “Vùng lạnh”, đến vở diễn dành cho thiếu nhi như “Hai viên ngọc thần” được tung ra phục vụ công chúng với lượng vé của nhà hát hơn 90% là bán online.

Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nhịp điệu cuộc sống sau dịch Covid-19 yêu cầu các nhà hát phải nhanh chóng chuyển mình, thích ứng với bình thường mới.

“Một điều chúng tôi rất mong muốn khắc phục ở sân khấu ngoài Bắc là khâu truyền thông, marketing. Nhiều vở kịch rất hay, đặt nhiều tâm huyết nhưng vì quảng bá chưa hiệu quả nên khán giả không biết để đi xem. Điều thứ hai là chúng tôi cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống bán vé online, trả lời tự động, bởi nhiều khi 11 - 12 giờ đêm vẫn có khán giả hỏi mua vé.

Ngoài ra, đội ngũ đi đưa vé phải chính xác, nhanh chóng đến tận tay khán giả. Hiện tại, tôi đánh giá vẫn có nhiều khán giả e dè vì lo lắng dịch trở lại hoặc nguy cơ nhiễm bệnh, song tôi tin tình hình sẽ càng ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, anh em nghệ sĩ cũng đang tích cực tìm kiếm các kịch bản chất lượng, có chiều sâu để phục vụ khán giả” - NSND Trung Hiếu chia sẻ.

Không chỉ riêng tại Hà Nội, sân khấu TP Hồ Chí Minh đã làm quen với việc bán vé qua mạng, chuyển khoản không dùng tiền mặt. Các sân khấu như Idecaf, Hoàng Thái Thanh, Nhà hát kịch 5B đã có dịch vụ bán vé thông qua trang ticketbox, fanpage của nhà hát nên việc trả tiền vé lại cho khách không quá vất vả.

Theo những nhà chuyên môn, việc đưa các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn lên nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận công chúng là một xu hướng tất yếu. Ngay bây giờ cần có những giải pháp mang tính chiến lược về đào tạo nhân lực cho xu hướng này, nếu có sự chuẩn bị tốt, sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhu cầu giải trí, qua đó bồi đắp đời sống tinh thần cao đẹp cho khán giả.

Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn

Tin liên quan