Hát xẩm trên TikTok, YouTube: Thích ứng với đời sống đương đại

Hát xẩm cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác luôn âu lo về sự mai một. Gần đây, giới trẻ với góc nhìn cởi mở đã đưa hát xẩm đến với người nghe bằng những chủ đề thời sự một cách giản dị, dân dã và gần gũi.

 Xẩm lên án vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống với chiếc áo phủ màu lịch sử thường bị gắn với những tính từ “nhàm chán”, “khô khan”, “khó hiểu”. Tuy nhiên, nếu vì vậy mà khiến cho dòng nhạc này bị lãng quên vào dĩ vãng hay thậm chí biến mất sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc.

Nhóm ''Xẩm Hà Thành''.
Nhóm ''Xẩm Hà Thành''.

Đối với riêng xẩm, một loại hình âm nhạc mang trong mình sự đơn giản, mộc mạc nhưng vẫn luôn biến chuyển từng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe. Gần đây, nhóm Xẩm Hà Thành vừa ra mắt bài xẩm “Con ơi hãy rũ bụi trần” đề cập tới câu chuyện bé gái 8 tuổi bị bạo hành tới tử vong gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua. Bài xẩm kết hợp giữa điệu xẩm tàu điện và điệu xẩm chợ, như câu chuyện kể xót xa về sự chịu đựng của một bé gái mới 8 tuổi trước những trận đòn roi và lời nhiếc móc của mẹ ghẻ, sự làm ngơ của người cha.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, bài xẩm vừa là những điều mà nhóm Xẩm Hà Thành và cá nhân anh muốn bày tỏ, góp thêm một tiếng nói chống nạn bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay. “Chúng tôi mong muốn không có thêm những vụ bạo hành trẻ em như vậy nữa. Những đứa trẻ cần có một tuổi thơ thật ý nghĩa, điều mà các con xứng đáng được nhận” - nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nói.

Anh cho hay, đề cập tới những vấn đề xã hội vừa là chức năng vừa là thế mạnh của xẩm. Trước bài xẩm này, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã viết những bài xẩm có đề tài xã hội, do nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện, như: “Tiễu trừ cướp biển” (2014), “Xẩm trà đá” (2015), “Xẩm Cá chết” (2016), “Tiêu diệt Corona” (2020).

Bài ''Xẩm 120'' tuổi có hơn 1,7 triệu lượt xem trên Youtube.
Bài ''Xẩm 120'' tuổi có hơn 1,7 triệu lượt xem trên Youtube.

Hòa vào xu hướng đó, gần đây, các tác phẩm âm nhạc mới được sáng tạo dựa trên chất liệu xẩm xuất hiện nhiều hơn. Có thể kể đến MV “Xẩm Hà Nội” của ca sĩ Hà Myo và rapper VBK với sự hòa quyện giữa Xẩm - Rap - EDM thể hiện được sự cuồng nhiệt của tuổi trẻ, của chất đường phố mà vẫn giữ được cốt cách của xẩm. Hay như bản “Mục hạ vô nhân” của Limebócx là một sự kết hợp độc lạ giữa xẩm chợ và nhạc điện tử với cách thể hiện trẻ trung, đầy ma mị, mang lại hơi thở mới cho xẩm truyền thống.

Đưa hát xẩm lên TikTok

Trong bối cảnh đa phần giới trẻ chọn giải trí bằng cách lướt mạng, lang thang trà đá vỉa hè, có nhiều dự án đã thành công trong việc lựa chọn mạng xã hội như một “điểm chạm” với giới trẻ và nghệ thuật truyền thống. Trong đó có thể kể đến CLB Cầm Ca của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam lựa chọn Facebook, Instagram và TikTok, YouTube để bảo vệ, gìn giữ, phát triển văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc, nhạc cụ truyền thống nói riêng. Trong khi đó, “Trường Ca Kịch Viện” – tên dự án của một nhóm học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội đã mang đến cho các bạn trẻ một nguồn thông tin về nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam thông qua các triển lãm online và các hoạt động trên Facebook, Instagram và YouTube.

Năm 2021, dự án “Xẩm Quán” cũng đã có được những thành công nhất định trong việc nỗ lực đưa xẩm tiếp cận với giới trẻ thông qua mạng xã hội. Nếu kênh Fanpage “Xẩm Quán” là nơi cung cấp những bài viết thông tin về xẩm và những hoạt động góp phần phát triển văn hóa truyền thống, thì kênh TikTok “Xẩm Quán” là nơi dự án tạo ra các video kết nối nhạc xẩm với cuộc sống giới trẻ. Bên cạnh đó, trên TikTok, giới trẻ có thể tiếp cận nhiều bản cover hát Xẩm. Đơn cử như bản cover “Xẩm thập ân” của Huy Lee thu hút hơn 16.000 lượt xem; "Xẩm 120" của Tuyết Tuyết đăng trên YouTube đạt hơn 1 triệu người xem.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: Nghệ thuật sẽ khó duy trì nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu thị hiếu khán giả. Chính vì thế muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, xẩm nói riêng, cần phải tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem. Trong đó, bảo tồn và phát huy một cách bền vững là vấn đề được đề cập đến nhiều đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm. Những nỗ lực tìm tòi, cách tân nhằm thu hút giới trẻ theo dõi, tham gia biểu diễn là cách hỗ trợ trực tiếp nhất để loại hình nghệ thuật như xẩm khẳng định vai trò chứ không phải loay hoay tìm chỗ đứng không chỉ riêng tại thị trường Việt Nam mà còn ở cấp quốc tế.

Có thể thấy, việc kết hợp âm hưởng hiện đại và truyền thống trong xẩm sẽ giúp loại hình này phát triển bền vững. Và trong công cuộc sáng tạo cái mới, thế hệ trẻ cũng cần dung hòa truyền thống và hiện đại để không làm mất chất xẩm.

Tin liên quan