Kết quả thu thập từ công cụ Destination Insights Việt Nam (cung cấp thông tin chi tiết về các điểm du lịch Việt Nam…) của Google cho thấy: Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch khá trầm lắng do dịch Covid-19 tái bùng phát ở Hải Dương, Quảng Ninh và Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thế nhưng từ cuối tháng 2 đến nay, lượng du khách Việt tìm kiếm thông tin du lịch tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phản ánh thực tế nhu cầu được dịch chuyển của người dân rất cao, sẵn sàng du lịch trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy du lịch nội địa sẽ mau chóng phục hồi và bùng nổ trong thời gian tới.
|
Tìm lại vị trí tương xứng cho du lịch nội địa
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ: Cuộc khủng hoảng du lịch do dịch Covid-19 gây ra khiến chúng ta phải suy nghĩ một cách thấu đáo về sự cân bằng giữa phát triển du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Từ trước đến nay, du lịch nội địa được coi như hoạt động tự phát và không được điều tiết. Vì vậy, khi du lịch khủng hoảng do dịch bệnh thì chúng ta mới hiểu thị trường nội địa chính là cứu tinh cho toàn ngành. Vì vậy, thời gian tới, các DN cần một nền du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ để có thể sống sót trong các cuộc khủng hoảng
Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch gần như tê liệt, nhiều DN nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển ngừng hoạt động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch Covid-19 lại giúp du lịch nội địa tìm lại vị trí tương xứng, xóa dần sự ngăn cách giữa du lịch nội địa với quốc tế, đẩy mạnh việc tiếp cận của người Việt đến những dịch vụ đẳng cấp quốc tế, sang trọng.
Cùng phối hợp hành động
Để thị trường nội địa hồi phục giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn đòi hỏi DN, địa phương đẩy mạnh liên kết cùng chia sẻ khó khăn và lợi ích bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên kết. Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn hóa Hà Nội) Dương Văn Sáu nêu rõ: Là ngành kinh tế tổng hợp, kinh tế du lịch vốn mang tính liên kết, thể hiện trên 3 khía cạnh: Kết nối thời gian - kết nối không gian và kết nối dịch vụ để phục vụ các đối tượng du khách. Điều kiện thực tế hiện nay thị phần thu hẹp, nguồn khách thu hẹp thì vấn đề đặt ra cho các DN du lịch là phải tăng cường tính liên kết, phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích, không kinh doanh độc lập theo kiểu “làm tất - ăn cả” như trước đây. Do vậy, phương châm hiện nay đối với các DN du lịch phải là “Phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua DN du lịch và các tỉnh, thành đã đẩy mạnh liên kết cùng khai thác thị trường nội địa qua đó xây dựng nhiều liên minh kích cầu du lịch được hình thành. Trong đó nổi bật là liên kết giữa các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định...