Du lịch Thường Tín: Phát huy thế mạnh du lịch tâm linh gắn với làng nghề và sinh thái
10:13 17/08/2018
Với hơn 450 di tích lịch sử cùng 126 làng nghề, Thường Tín được đánh giá là mảnh đất giàu tài nguyên du lịch, "ngành công nghiệp không khói" nơi đây đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ...
Giàu tiềm năng du lịch
Cách
trung tâm Hà Nội khoảng 20km, Thường Tín được biết đến không chỉ là
"đất danh hương", mà còn là "đất trăm nghề", bởi nơi đây có một quần thể
di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với hơn 450 di tích, trong đó 110 di tích
đã được xếp hạng (59 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp thành phố).
Nhiều
di tích, văn hóa nổi tiếng như: chùa Đậu; đền, bến Chương Dương, đền
thờ Nguyễn Trãi... gắn với những di tích lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử
Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), lễ
hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi)...
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đăng Chung
Thường
Tín còn là vùng đất khoa bảng, trong lịch sử khoa cử Việt Nam thời
phong kiến, với gần 70 người đăng khoa, đồng thời là quê hương của các
bậc danh nhân như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực
Nguyên.
Theo
thống kê, toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 47 làng được công
nhận làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo được xuất
khẩu ra nước ngoài và bày bán tại những quầy lưu niệm tại làng nghề phục
vụ việc mua sắm của khách du lịch. Nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành
từ sớm đã trở thành khẩu ngữ, tên làng gắn liền với sản phẩm của nghề
như: Lược sừng Thụy Ứng, bánh dày Quán Gánh, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất
Động, tiện Nhị Khê, chạm đá Nhân Hiền...
Phát
biểu tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện
Thường Tín”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhấn mạnh: Thường
Tín là huyện có nhiều di sản và làng nghề, Thường Tín nên tăng cường
phát triển sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng các điểm đến; xây dựng
sản phẩm du lịch phù hợp với khách tham quan trong ngày, mang đặc trưng
riêng.
Với
những tiềm năng phát triển như vậy, Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn
Tiến Minh cho biết, huyện đã xác định thế mạnh là du lịch sinh thái và
du lịch tâm linh gắn liền với làng nghề truyền thống.
“Những
năm qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây
dựng Nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa”; quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tạo
nên một quần thể di tích có giá trị phát triển văn hóa, kinh tế và du
lịch; làm tốt công tác quản lý an ninh trật tự, tạo môi trường an toàn
cho các hoạt động du lịch; đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm làng nghề nhằm
thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần
phát triển kinh tế địa phương” - ông Minh nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa làng nghề
Đến
thăm khu sản xuất, trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề sơn mài
Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), điều cảm nhận đầu tiên của
chúng tôi là một không gian thu nhỏ của hoạt động sản xuất và kinh doanh
tiêu biểu cho làng nghề truyền thống. Ngoài hàng trăm mẫu mã, sản phẩm
có màu sắc, kiểu dáng và phong cách của làng nghề sơn mài cổ truyền, còn
có hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách
hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh
khảm... Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song mây,
gần đây có thêm các chất liệu mới như, composite, gốm sứ… càng tạo nên
sự độc đáo cho sản phẩm.
Tại
các cơ sở sản xuất làng nghề sơn mài Hạ Thái đẩy mạnh công tác dạy nghề
cho lớp trẻ nhằm duy trì và giữ gìn kỹ năng làm nghề, bản sắc văn hóa
làng nghề… Ảnh: Đăng Chung
Chia
sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Hồng Chiêu - Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Hạ Thái
cho biết, tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề
sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son,
bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen. Sản phẩm sơn mài
Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng
luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo
léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Cũng
tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện Thường
Tín” nhiều các đại biểu cùng các đơn vị doanh nghiệp lữ hành cũng thẳng
thắn chỉ ra nhiều điểm hạn chế phát triển du lịch huyện Thường Tín như:
Hạ tầng giao thông, khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề
thiếu hướng dẫn viên du lịch tại điểm; biển chỉ dẫn chưa đồng bộ; khu
dịch vụ phục vụ khách du lịch còn thiếu còn nhiều rác thải vứt bừa bãi;
công tác quảng bá, xúc tiến chưa được quan tâm đúng mức; nhiều điểm giao
thông chưa thuận tiện…
Trước
những vấn đề đặt ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch huyện
Thường Tín, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đề nghị huyện Thường
Tín, cần nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách để xây dựng sản phẩm du
lịch; xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn đồng bộ trên các tuyến du
lịch; xây dựng các khu trưng bày sản phẩm làng nghề, bố trí khu để xe
khách du lịch, khu dịch vụ phục vụ khách, thêm nhà vệ sinh công cộng; tổ
chức bộ phận hướng dẫn viên tại điểm; cải thiện môi trường du lịch, chủ
động đẩy mạnh liên kết hợp tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát
triển sản phẩm du lịch; đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn cho tất cả
du khách,…
Trong
thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du
lịch, Bí thư huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cũng cho biết, huyện
sẽ xây dựng và triển khai đề án “Phát triển du lịch tâm linh gắn với
làng nghề và làng sinh thái huyện Thường Tín giai đoạn 2016 - 2020, tầm
nhìn 2030”; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch cùng các cơ
quan chức năng của Thành phố Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ và trình UBND
thành phố phê duyệt chủ trương 2 dự án xây dựng và thực hiện Khu tưởng
niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê và Khu du lịch văn hóa
làng nghề Thượng Phúc tại xã Văn Bình.
“Cùng
với đó xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch hoàn chỉnh đưa vào
khai thác phục vụ khách du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, du lịch
sinh thái Hồng Vân và du lịch dọc tuyến sông Hồng; Từng bước xây dựng hạ
tầng du lịch trên địa bàn huyện, nhất là hạ tầng các làng nghề: khu
trưng bày sản phẩm, bãi xe, khu dịch vụ phục vụ khách du lịch, lắp đặt
biển treo thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng; hệ thống pano tuyên
truyền; hệ thống xử lý chất thải…” – ông Minh thông tin.
Việc
đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và du lịch tâm linh gắn liền với
làng nghề truyền thống được xác định là một hướng đi phát triển du lịch
bền vững. Các làng nghề của Thường Tín sẽ ngày càng trở thành điểm dừng
chân thú vị và hấp dẫn du khách. Hơn thế nữa, lợi ích to lớn của việc
phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng
trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà
còn là một cách gìn giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị văn
hóa dân tộc.
Nguồn: Báo Người Hà Nội (http://nguoihanoi.com.vn)
10:13 17/08/2018