Làm gì để "đánh thức" tiềm năng khu di tích Cổ Loa?
10:20 17/08/2018
Cổ Loa được đánh giá là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị của Đông Nam Á, một di sản văn hóa độc đáo gắn với lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc. Tuy nhiên, khác với nhiều di tích tiêu biểu của Thủ đô, Cổ Loa không phải là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa. Điều gì khiến cho di tích này "ngủ quên" và cần làm gì để Cổ Loa phát huy được những giá trị như nó vốn có. Đó cũng là những vấn đề mà các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đặt ra trong cuộc hội thảo "Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển" do tạp chí Tia sáng tổ chức mới đây.
Bộn bề trăn trở
Cổ
Loa được công nhận là di tích quốc gia từ năm 1962 nhưng mãi đến năm
2013, Cổ Loa mới được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa
lịch sử văn hóa quan trọng. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt
quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị khu di tích thành
Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn với tỉ lệ 1/2000.
Tuy nhiên, kể từ khi quy hoạch tổng thể được phê duyệt cho đến nay đã 3
năm việc triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 để có cơ sở cắm mốc
bảo vệ chi tiết vẫn chưa được triển khai. Chính chậm trễ này mà việc xác
định mốc giới về pháp lý, quyền sở hữu cho thành và hào vẫn chưa được
thực hiện. Điều này khiến di tích vẫn tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ
bị hủy hoại, xâm lấn…
Cổng đền thờ An Dương Vương tại Cổ Loa.
Được
biết, hiện nay số hộ dân ở Cổ Loa đã lên tới hơn 1000, sinh sống cả ở
chân thành, mặt thành và hào. Những hộ dân ở sát chân thành đã được cấp
sổ đỏ, một số đoạn trên mặt thành được xẻ, làm đường nhựa cho xe cơ giới
qua lại… Vòng Thành Nội gần như đã mất đi toàn bộ hình dáng, hào trong
Thành Nội cũng bị lấp để xây nhà và đường. Hai vòng Thành Trung và Thành
Ngoại mặc dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được chiều
cao như trước. Đó còn là chưa kể các di tích khảo cổ học đều đang trên
bờ vực bị xóa sổ bởi các công trình dân sinh.
Quá
trình đô thị hóa đã và đang khiến cho những tiềm năng văn hóa du lịch
của khu di tích Cổ Loa có nguy cơ bị xâm thực mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc
bảo tồn và tôn tạo khu di tích này đang gặp phải nhiều khó khăn bởi
những bất cập trong công tác quản lý di tích. Tại Cổ Loa, Ban quản lý di
tích Cổ Loa chỉ quản lý đình, đền, vườn thuyền, ao mắm còn hạt nhân của
di tích (3 vòng thành, 3 vòng hào và sông Hoàng Giang lại thuộc quyền
quản lý của chính quyền xã Cổ Loa).
Ông
Lê Viết Dũng – Phó ban quan lý khu di tích Cổ Loa cho biết, Ban quản lý
khu di tích chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện và báo cáo. Nếu có
nhìn thấy những vi phạm ban quản lý cũng chỉ biết báo với chính quyền xã
để xử lý. Cách phân chia chức năng quản lý này đã khiến cho công tác
bảo tồn di tích này gặp khó chứ chưa nói đến việc phát huy giá trị của
di tích. Như phân tích của PGS.TS Nguyễn Văn Huy thì: “Một di tích với
những yếu tố cấu thành cơ bản của nó lại bị chia tách manh mún về quản
lý thì sẽ rất khó có những định hướng chung trong việc bảo tồn, dễ mạnh
ai nấy làm, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.”
Bên
cạnh đó, vấn đề xác định “vùng lõi” để ưu tiên bảo vệ tại khu di tích
này cũng đặt ra những dấu hỏi lớn trong công tác bảo tồn. PGS. TS Lại
Văn Tới – Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho rằng hiện nay tư duy bảo
tồn Cổ Loa chỉ tập trung bảo vệ vùng lõi của di tích là những công
trình, đình, đền, miếu mà quên rằng Cổ Loa còn có cả thành, hào. Mà giá
trị độc đáo của Cổ Loa chính là sự cộng hưởng của tất cả những yếu tố
này.
Để Cổ Loa không còn “ngủ quên”
Theo
thống kê mỗi năm khu di tích Cổ Loa đón khoảng 130.000 lượt khách
(trong khi cố đô Huế đón 1 triệu lượt khách trong 3 tháng). Lượng khách
đến với Cổ Loa thường chỉ tập trung vào những ngày Tết hoặc thời điểm lễ
hội Cổ Loa diễn ra vào tháng Giêng, còn suốt 11 tháng trong năm chỉ lác
đác vài chục ngàn đến trăm ngàn khách.
Vào dịp lễ hội Cổ Loa mới có nhiều khách đến tham quan.
Với
một di tích có tuổi đời lên tới 2300 năm như Cổ Loa thì tiềm năng để
trở thành điểm du lịch bậc nhất của Thủ đô là điều hoàn toàn có thể.
Nhưng để “đánh thức” một Cổ Loa đã “ngủ quên” từ rất lâu rồi lại không
phải là chuyện dễ dàng. Theo ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di
sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, việc bảo tồn di tích Cổ
Loa phức tạp hơn các di sản khác là do lịch sử phát triển lâu đời, làng
mạc dân cư sinh sống ở đó. Trước mắt nên ưu tiên bảo vệ nguyên vẹn di
tích, các điểm khai quật khảo cổ, tường thành và hào nước liên quan đến
các yếu tố gốc; có các biện pháp chống xâm lấn, xâm hại di tích, thực
hiện dần việc giãn dân ra khỏi di tích. Ngoài ra, các cơ quan liên quan
cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn di
tích bởi nếu người dân không ủng hộ thì cũng không thể thực hiện được…
KTS
Trần Huy Ánh cho rằng cần phải giữ Cổ Loa một cách chủ động, có phương
pháp và cơ sở pháp lý. Trước mắt, cần những biện pháp cấp bách nhằm tạo
lập ranh giới bảo tồn khẩn cấp, chống lấn chiếm hủy hoại. Còn TS. Nguyễn
Viết Chức – Viện trưởng Viện nghiên cứu Thăng Long cho rằng bảo tồn và
phát huy giá trị của di sản này là vô cùng khó và rất cần có sự đồng
hành của các nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng. Khi đang tiến hành
quy hoạch thì cần thiết phải giữ nguyên trạng di tích, tránh để bị xâm
hại thêm. Giá trị cốt lõi của di sản Cổ Loa là thành và hào, vậy nên
trong việc bảo tồn di tích này, khảo cổ học phải đi trước một bước.
Theo
TS. Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia: “Cần phải có
tầm nhìn và cần có sự điều chỉnh ở tầm vĩ mô thì Cổ Loa mới có thể trở
thành di tích hấp dẫn bậc nhất. Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Văn
Huy khẳng định: “Nếu đầu tư tốt sẽ có thể đưa Cổ Loa trở thành một điểm
du lịch hấp dẫn bậc nhất của Thủ đô. Vậy nên muốn Cổ Loa phát huy được
giá trị của mình, lãnh đạo thành phố phải đổi mới, quan tâm thực sự và
thúc đẩy Cổ Loa trở thành điểm du lịch sáng giá nhất của Thủ đô” – ông
Huy nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Người Hà Nội (nguoihanoi.com.vn)
10:20 17/08/2018