Nguyên nhân gây mất ngủ ở người già và cách khắc phục

Chứng mất ngủ có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, kể cả trẻ em, người lớn, đặc biệt là ở người cao tuổi. Người bệnh thường có những biểu hiện: giấc ngủ chập chờn, hay thức giấc và rất khó ngủ lại khiến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người già lại càng giảm sút.

Nguyên nhân gây mất ngủ ở người già và cách khắc phục

Ảnh minh hoạ

Người cao tuổi mặc dù đã đi nằm từ rất sớm, nhưng họ thường khó dỗ vào giấc ngủ, giấc ngủ không sâu, hay bị thức giấc trong đêm và khó ngủ trở lại. Đặc biệt, họ không có được cảm giác khỏe khoắn khi ngủ dậy. Ngủ không đủ giấc, ngủ không sâu giấc ảnh hưởng đến khả năng phục hồi về cả thể chất lẫn tinh thần, khiến sức khỏe của người cao tuổi giảm sút.

Không chỉ mất ngủ mà bất kỳ một chứng bệnh nào muốn chữa trị hiệu quả, ngoài việc điều trị triệu chứng cần tìm hiểu được nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ chúng. Mất ngủ ở người cao tuổi do quá trình lão hóa là điều tất yếu, không thể tránh được. Vì vậy, việc tìm ra một giải pháp an toàn và hiệu quả để khắc phục chứng bệnh này là vô cùng cần thiết.

Các yếu tố gây mất ngủ ở người già thường là do giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị thức giấc hơn), thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng hồi phục các chức năng của cơ thể khi cơ thể bị lão hóa... Bên cạnh đó, người già thường gặp các bệnh lý khác như sa sút trí tuệ, bệnh lý mạch máu não, suy tim, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm... đều làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Nhìn chung, có 4 nhóm nguyên nhân chính gây mất ngủ ở người cao tuổi:

Thứ nhất là các bệnh gây rối loạn giấc ngủ tiên phát: Phổ biến nhất là hiện tượng ngừng thở lúc ngủ (hay gặp ở những người béo phì), hoặc các hiện tượng chân tay cử động một cách tự động về đêm làm người già bị thức giấc.

Thú hai là các bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ thứ phát: Ðau là nguyên nhân nổi bật gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Người già thường bị các bệnh cơ xương khớp như thoái hoá khớp, loãng xương, đau ngực vì thiếu máu cơ tim,… Các bệnh này có đặc điểm gây đau tăng lên dần về nửa đêm gần sáng, làm cho bệnh nhân bị tỉnh giấc. 

Thứ ba là các bệnh lý tâm thần kinh: Theo nhiều nghiên cứu, bệnh trầm cảm dường như là yếu tố lớn nhất có liên quan đến các rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi. Các bệnh nhân trầm cảm thường khó bắt đầu giấc ngủ hoặc hay bị thức giấc sớm và có hiện tượng ngủ ngày, một số bệnh nhân lại có lúc bị kích động nên rất khó ngủ.

Thứ tư, do sử dụng các chất gây kích thích: Chất gây kích thích mọi người lại hay dùng và rất dễ gây mất ngủ như rượu, caffeine (có trong chè, cà phê), nicotine (có trong thuốc lá). Ngoài ra còn có những thuốc hay gây mất ngủ ở người già như các loại corticoid, nội tiết tố tuyến giáp, các thuốc điều trị bệnh thần kinh và ngay cả một số thuốc dùng để điều trị bệnh trầm cảm. Các thuốc ngày đều có gây kích thích làm người già khó ngủ hơn

Cách điều trị mất ngủ tốt nhất là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc, nhất là với trường hợp mất ngủ do rối loạn tâm lý kéo dài nhằm xóa bỏ hoặc làm giảm các yếu tố gây mất ngủ.

Về chế độ ăn uống: Thức ăn và nước uống có những loại làm cho giấc ngủ ngon lành hơn nhưng cũng có những loại lại gây trằn trọc, khó ngủ. Dù ăn, uống như thế nào cũng phải bảo đảm đủ 3 chất chủ yếu: đạm (thịt, cá…), đường (gạo, bánh mì…) và mỡ (mỡ động vật và dầu thực vật, nhưng chủ yếu là dầu thực vật).

Người cao tuổi nên ăn những thức ăn dễ tiêu và có nhiều vitamin B1, loại giàu chất khoáng như rau (rau muống, mồng tơi), quả (cam, quýt, đu đủ chín)…; thịt lợn, thịt gà, cá tươi, đậu phụ, sữa đậu nành.

Đặc biệt, người cao tuổi không nên uống rượu, bia. Vì rượu có khả năng làm tổn hại tế bào gan. Người cao tuổi nên tránh những loại nước uống gây mất ngủ như cà phê và những nước uống có chất cafein như Pepsi, Coca Cola. Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá,…

Luyện tập thể thao: Hình thức luyện tập thể thao tương đối phù hợp với người cao tuổi là tập dưỡng sinh một cách đều đặn. Nơi tập cần bảo đảm vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa, nhất là mùa lạnh, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ, tránh mưa, gió đột ngột.

Ngoài ra, cần tạo một môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ… tạo thói quen về trình tự giờ giấc, các bước đi vào giấc ngủ. Khi đi ngủ không nên đọc sách hoặc xem ti-vi, nhìn đồng hồ, tránh căng thẳng hoặc xúc cảm trước khi đi ngủ…

Sử dụng các loại thảo dược: Sử dụng các loại dược liệu có tác dụng dưỡng tâm an thần được ông cha ta sử dụng lâu đời dùng để chữa mất ngủ rất hiệu quả như: tâm sen, vông nem, trà hoa tam thất, …

Với người già thì không nên sử dụng thuốc mất ngủ vì cơ thể người già yếu hơn so với thanh niên nên gặp các tác dụng phụ của thuốc sẽ nguy hiểm hơn, nếu tình trạng này kéo dài thì hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.


Nguồn: Báo Người Hà Nội (http://nguoihanoi.com.vn)

Tin liên quan