Những ngày gần đây, các ca mắc COVID-19 ở Hà Nội liên tục tăng cao, trong đó, phần lớn là các ca lây nhiễm trong cộng đồng, điều đó dẫn đến nguy cơ dịch có khả năng bùng phát mạnh trên diện rộng. Cá biệt, ngày 15/2, Hà Nội ghi nhận 3.972 ca mắc COVID-19 mới - con số kỷ lục kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trong đó, có 798 ca cộng đồng và 3.174 ca đã cách ly. Số ca mắc mới trong ngày phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (186); Đông Anh (175); Chương Mỹ (155); Bắc Từ Liêm (143); Nam Từ Liêm (141).
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện F0 với lịch trình di chuyển phức tạp… Đáng lo ngại, trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh thì nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.
Có thể thấy một thực tế hiện nay là nhiều hàng quán trên địa bàn thành phố vẫn phục vụ 100% khách hàng, không đảm bảo giãn cách, không có tấm chắn. Theo yêu cầu của thành phố Hà Nội, tất cả hàng quán, siêu thị, trung tâm thương mại hoạt động phải dán mã QR code trước cửa để khách hàng quét mã khai báo y tế. Tuy nhiên, một số cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR khi vào sử dụng dịch vụ, phớt lờ những quy định phòng, chống dịch của thành phố.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại những ngày đầu năm luôn trong tình trạng đông khách, không thể đảm bảo giãn cách |
Còn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, lượng người đi mua sắm, tập trung rất đông, không thể đảm bảo giãn cách, nhất là vào những ngày cuối tuần. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc xin. Nhiều người cho rằng, đã tiêm 2 – 3 mũi vắc xin là có thể yên tâm đi lại và không sợ bị mắc bệnh nữa.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại, nhiều quán nước vỉa hè hoạt động trở lại, nhiều người đến tụ tập thành nhóm, ngồi uống nước, tán gẫu nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định...
Theo dự báo của các chuyên gia, với việc mở cửa thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, dự báo số ca mắc không chỉ dừng lại ở mức 30.000 F0/ngày mà sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Hiện tại các bệnh viện điều trị COVID-19 của Hà Nội, sau Tết Nguyên đán cũng ghi nhận người cao tuổi nhập viện tăng đột biến so với thời gian trước. Nhiều người tiêm đủ liều vắc xin có tâm lý chủ quan, gặp gỡ, ngồi trong phòng cùng nhau không đeo khẩu trang. Những người này vẫn có thể nhiễm bệnh và lây cho người không tiêm, đặc biệt lây cho người già.
Nhiều nhân viên làm việc tại một số công ty không đeo khẩu trang (Ảnh chụp tại phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) |
Đối với số ca F0 đang điều trị tại nhà, theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tới hết ngày 15/2, thành phố Hà Nội đang có gần 110.000 F0 đang điều trị ở Hà Nội, trong đó có 105.214 F0 điều trị tại nhà (chiếm 95%); Có hơn 800 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận/huyện.
Hiện có hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Số còn lại 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Cũng trong ngày hôm qua (15/2), Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số F0 tử vong từ 27/4/2021 đến nay lên 853 người.
Theo chuyên gia y tế, việc mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội là đúng, nhưng mở cửa phải làm đồng bộ, phải có điều kiện. Chẳng hạn người nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm, tuân thủ 5K; Người đi xem phim phải 5K; Tăng cường tiêm vắc xin; Nâng cao năng lực y tế để không quá tải…
“Chúng ta không được chủ quan, lơ là, vẫn phải thực hiện 5K, tiêm vắc xin. Ra Tết lễ hội nhiều, phải tiếp tục kiểm soát, luôn luôn theo dõi hệ thống y tế, nếu dịch bùng phát mạnh, F0 nặng tăng gây quá tải thì phải có can thiệp ngay. Bởi không kiểm soát được bệnh nhân nặng, thì tử vong sẽ tăng cao”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Hiện nay, nhiều người đã tiêm mũi 3 vắc xin vẫn còn chủ quan nghĩ rằng không mắc COVID-19 nên chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Tình trạng tập trung đông người vẫn diễn ra, nhất là tại các quán giải khát, điểm tham quan, du lịch, nhà hàng, quán ăn…
Nhiều người còn chủ quan nghĩ rằng đã tiêm vắc xin nên chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch |
Theo các chuyên gia y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 sẽ còn phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Oimcron được nhận định lây lan gấp nhiều lần so với biến chủng Delta. Do đó, các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, đặc biệt là không bỏ sót đối tượng người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… “Kể cả người đã tiêm mũi 3, tiêm mũi bổ sung cũng không được chủ quan, vì khi họ nhiễm bệnh thường không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng phải cẩn trọng để không lây cho người khác”, ông Phu khuyến cáo.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các địa phương phải thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát số ca mắc, tránh số ca mắc tăng quá cao làm tăng ca bệnh nặng, gây quá tải hệ thống y tế. Đồng thời, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác, khứu giác… cần hạn chế tiếp xúc, liên lạc ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và xét nghiệm COVID-19.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn trước do sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng; Nhiều ca bệnh trong cộng đồng gia tăng và không rõ nguồn lây. Nếu người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì sẽ không thể kiểm soát được dịch bệnh và phá vỡ thành quả chống dịch của toàn xã hội. Do đó, ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch quan trọng hơn bao giờ hết. Người dân nên tuân thủ 5K, khai báo y tế phải trung thực, nghiêm túc.
Nguồn: http://nguoihanoi.com.vn
22/05/2023
22/02/2023