Việc dùng giấy báo để gói thực phẩm là là điều rất dễ gặp, nhất là tại các quán bán xôi, bánh mì ở vỉa hè. Có thể vì rẻ và tiện nên rất nhiều các quán bán xôi thường dùng báo in để gói luôn những túi xôi nhỏ để bán cho khách mua mang đi. Điều này tưởng chừng hết sức bình thường nhưng nó lại gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, chính người bán và cả người mua dùng đều không hiểu biết rõ về nguy cơ nhiễm độc chì từ giấy báo bọc thực phẩm.
Rất nhiều nguy hiểm từ việc sử dụng giấy báo để gói thực phẩm
Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, việc đơn giản hàng ngày dùng giấy báo để bọc gói nhiều thực phẩm là đơn giản nhưng lại kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, trong một nghiên cứu về các chất có trong giấy báo khi được dùng làm nguyên liệu gói bọc thực phẩm chỉ ra, giấy báo có những chất chì, kim loại nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.
Theo Chất lượng Việt Nam, chì là kim loại rất quen thuộc với chúng ta, đó là kim loại mềm, dễ uốn, dễ kéo dài, có khả năng chịu được mài mòn, chống ăn mòn, ngăn cản sự xuyên qua của những tia bức xạ, tia phóng xạ. Do các ưu điểm đặc trưng như vậy nên chì được ứng dụng rộng rãi trong các ngành chế tạo sơn, làm đồ thủy tinh, làm gốm, tráng men, mực in, sản xuất đồ gia dụng… Tuy nhiên, chì lại được các cơ quan chuyên môn xác định là chất độc hại và rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe của con người.
Dù những cơ quan chức năng đã cảnh báo trên các phương tiện truyền thông khá nhiều, nhưng hầu như không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo không nên dùng giấy báo in để gói đồ ăn nhanh
Hơn nữa, trước khi được dùng để gói thực phẩm, tờ báo đã trải qua nhiều khâu, từ nhà in, qua đường phố, đến tay bao người đọc và người thu gom. Trong quá trình đó, đã có rất nhiều bụi, vi khuẩn, ký sinh trùng bám vào. Giấy báo lại là chất liệu dễ thấm hút, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng bám dính và phát triển. Không chỉ giấy sách, báo mà giấy trắng cũng vô cùng độc hại, bởi trong quá trình sản xuất, không thể tránh khỏi việc sử dụng chất tẩy rửa. Chất tẩy rửa này, sau khi tiếp xúc với thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng hóa học, kết quả là những chất gây hại lưu lại trên thực phẩm.
Theo bà Nguyễn Khánh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ngày 28-11-2005, Bộ Y tế đã có Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT quy định: Thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác.
Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh... Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm trong quy định trên và Nghị định 45/2005/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguồn: Báo Người Hà Nội (http://nguoihanoi.com.vn)
22/05/2023
22/02/2023